Bảo lãnh diện K1 – Checklist hồ sơ nộp tại Sở Di trú Mỹ

Bảo lãnh diện K1 (hôn phu/hôn thê) là bước đầu tiên để đưa người yêu của bạn sang Mỹ một cách hợp pháp để kết hôn. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị khá nhiều loại giấy tờ và biểu mẫu quan trọng để nộp cho Sở di trú Mỹ (USCIS). Nếu thiếu sót, hồ sơ có thể bị chậm xử lý hoặc thậm chí bị từ chối. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ cần chuẩn bị những giấy tờ gì, để quá trình nộp hồ sơ diễn ra thuận lợi và đúng quy định.

1. Các mẫu đơn nộp trong hồ sơ bảo lãnh diện K1

I-129F (Petition for Alien Fiance(e)): Đơn xin bảo lãnh hôn phu/hôn thê

Hai bạn cần phải điền thông tin trung thực, chính xác so với giấy tờ cá nhân. Các câu hỏi Yes/No được trả lời và đánh dấu tick đầy đủ. Sau khi hoàn thành, Người bảo lãnh kí tên vào mẫu đơn này.

G-1450: Mẫu đơn thanh toán phí bằng thẻ ngân hàng

Bạn cần điền đúng thông tin của thẻ thanh toán, chữ kí của chủ thẻ và đúng số tiền phí xử lý hồ sơ là 675 USD. Bạn cần đặt mẫu đơn này ở trên đầu của bộ hồ sơ bảo lãnh.
Nếu bạn chọn thanh toán phí bằng check hoặc money order, bạn không cần điền mẫu đơn G-1450 này.

G-1145: Mẫu đăng ký nhận thông báo qua tin nhắn từ USCIS

USCIS sẽ nhắn tin qua số điện thoại đăng ký trên mẫu đơn này khi họ nhận được hồ sơ và thông báo mã số hồ sơ (mã Receipt number).

2. Giấy tờ cá nhân

Của Người bảo lãnh (NBL – công dân Mỹ)

  • Hộ chiếu Mỹ
  • Bằng quốc tịch
  • Giấy đổi tên (nếu có)
  • Giấy khai sinh (nếu có)
  • Giấy ly hôn (nếu có)
  • Giấy chứng nhận tham gia quân đội (nếu có)
  • Thư cam kết sẽ kết hôn trong vòng 90 ngày sau khi người được bảo lãnh nhập cảnh Mỹ
  • Ảnh thẻ 2×2 inches (5x5cm) nền trắng, không đeo kính, không đội mũ, chụp trong vòng 30 ngày.

Của Người được bảo lãnh (NĐBL – ở Việt Nam)

  • Hộ chiếu
  • Giấy khai sinh dịch thuật tiếng anh
  • Giấy ly hôn dịch thuật tiếng anh (nếu có)
  • Thư cam kết kết hôn trong vòng 90 ngày sau khi nhập cảnh
  • Ảnh thẻ 5x5cm nền trắng, không đeo kính, không đội mũ, chụp trong vòng 30 ngày.

Lưu ý: Nếu người bảo lãnh từng có tiền án hoặc bị phạt từ 500 USD trở lên, bắt buộc phải nộp kèm các giấy tờ liên quan đến vụ việc (như bản án, quyết định xử phạt…). Việc không cung cấp những giấy tờ này ngay từ đầu có thể khiến hồ sơ bị yêu cầu bổ sung sau đó, làm kéo dài thời gian xử lý không cần thiết.

Giấy tờ cá nhân là tiếng Việt (hoặc không phải tiếng anh) đều phải được dịch thuật sang tiếng anh.

Bạn chỉ cần nộp bản sao (photocopy) các giấy tờ cá nhân, không cần bản gốc, trừ khi USCIS có yêu cầu sau này. Hãy giữ bản gốc cẩn thận để sau này mang theo tại buổi phỏng vấn visa K1 tại Lãnh sự quán Mỹ Tp. HCM.

giấy tờ cần nộp trong hồ sơ bảo lãnh diện K1

3. Bằng chứng mối quan hệ chân thật

  • Timeline (Tường trình mối quan hệ): Kể rõ câu chuyện tình yêu của hai bạn – từ lúc quen, yêu đến quyết định bảo lãnh và kế hoạch tương lai.
  • Hình ảnh hai bạn gặp nhau, hình đính hôn (nếu có)
  • Tin nhắn, email, lịch sử trò chuyện
  • Bill quà tặng, hóa đơn chuyển tiền (nếu có)
  • Vé máy bay, biên lai khách sạn, các chuyến đi chung
  • Kế hoạch cưới tại Mỹ (nếu đã lên kế hoạch)
  • Thư làm chứng xác nhận từ người thân, bạn bè (nếu có)
  • Và các bằng chứng khác nếu có để chứng minh mối quan hệ là thật.

Hiện tại, cách xét duyệt của viên chức lãnh sự Mỹ đã thay đổi, không còn đơn giản như trước. Viên chức không thể chỉ dựa vào vài tấm hình hay vài bill gửi tiền để quyết định tin hay không tin vào mối quan hệ của bạn. Họ cần hiểu rõ câu chuyện tình cảm, cần nhiều hơn thế để đưa ra quyết định cấp visa một cách chắc chắn.

Vì vậy, hãy chuẩn bị bằng chứng mối quan hệ thật đầy đủ và rõ ràng ngay từ đầu, đừng chờ đến khi bị yêu cầu bổ sung mới bắt đầu gom góp. Đây là cách tốt nhất để tăng cơ hội thành công cho hồ sơ của bạn.

4. Hướng dẫn đóng gói và gửi hồ sơ bảo lãnh diện K1

Nên có tờ Cover Letter của toàn bộ hồ sơ. Trong tờ này, bạn chỉ cần trình bày ngắn gọn là bạn đang nộp hồ sơ bảo lãnh diện K1 và liệt kê các giấy tờ đã đính kèm. Tờ Cover Letter nên ghi rõ dòng chữ “Original Submission – Application to Petition for Alien Fiancé(e) (Form I-129F)”.

Khi chuẩn bị gửi hồ sơ đến Sở Di trú Mỹ (USCIS), bạn chỉ cần kẹp giấy gọn gàng. Bạn không cần đóng cuốn hay dùng bìa cứng hoặc để trong cuốn album, vì hồ sơ sẽ được nhân viên scan lại để lưu trữ. Tổng trọng lượng hồ sơ nên dưới 1.5kg để đảm bảo thuận tiện trong quá trình xử lý. Ngoài ra, nhớ kiểm tra kỹ địa chỉ gửi hồ sơ tùy theo đơn vị chuyển phát bạn chọn (USPS, UPS hoặc DHL) để tránh gửi nhầm nhé.

Khi gửi hồ sơ đến Sở Di trú, đừng quên giữ lại mã tracking của đơn vị vận chuyển (như USPS, UPS hoặc DHL). Đây là cách để bạn kiểm tra xem hồ sơ đã được giao đúng địa chỉ chưa. Trong trường hợp có sự cố, mã tracking này cũng là bằng chứng quan trọng để bạn làm việc với Sở Di trú hoặc nhà vận chuyển.

5. Những lỗi thường gặp khiến hồ sơ bảo lãnh diện K1 bị từ chối hoặc trả về

  • Người bảo lãnh chưa ký đơn I-129F hoặc sai thông tin thẻ ngân hàng. Nếu đơn chưa có chữ ký, hoặc thông tin thanh toán lệ phí sai (sai tên thẻ, sai số tiền), hồ sơ sẽ bị trả về.
  • Sử dụng mẫu đơn không đúng phiên bản. Bạn cần tải đúng phiên bản mới nhất của mẫu I-129F trên website USCIS. Khi in, kiểm tra kỹ là đơn phải đủ 12 trang và ở cuối mỗi trang có dòng chữ hiển thị ngày phát hành mẫu đơn (ví dụ: Edition 01/2025). Sử dụng mẫu cũ hoặc thiếu trang sẽ bị trả hồ sơ hoặc từ chối.
  • Cả hai chưa độc thân hợp pháp. Nếu bạn hoặc người bảo lãnh chưa hoàn tất thủ tục ly hôn, hồ sơ K1 sẽ bị từ chối ngay.
  • Thiếu thông tin quan trọng như tên, địa chỉ, ngày tháng năm sinh… cũng có thể khiến hồ sơ bị từ chối.
  • Giấy tờ không rõ, bị rách hoặc không đúng quy định về size giấy. Tất cả giấy tờ cần được in 1 mặt.

ViPass gửi bạn file Checklist giấy tờ nộp hồ sơ bảo lãnh diện K1 tại USCIS bên dưới để bạn dễ theo dõi và chuẩn bị đầy đủ hơn nhé! (click vào link để hiện file)

Checklist-K1-USCIS-2025-1

Những chia sẻ của ViPass trong bài viết này là những lưu ý giúp hồ sơ bảo lãnh diện K1 của bạn thuận lợi và tiết kiệm rất nhiều thời gian chờ đợi. ViPass có nhiều năm kinh nghiệm xử lý hồ sơ bảo lãnh định cư Mỹ, giúp hàng trăm cặp đôi thành công đoàn tụ tại Mỹ. Hãy liên hệ với chúng tôi để nhận tư vấn 1:1 và đánh giá hồ sơ hoàn toàn miễn phí!

ENG »